Kinh doanh

Đồng yen thấp kỷ lục: Con dao 2 lưỡi của hàng không và du lịch Nhật Bản

Hoàng Anh 11/06/2024 10:28

Đồng yen thấp kỷ lục mang đến cả những điều tích cực và tiêu cực cho ngành dịch vụ ở "đất nước Mặt Trời mọc".

Cuối tháng 4 vừa qua, đồng yen xuống đến mức 160,17 yen đổi được 1 USD, mức thấp nhất sau 34 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khiến Nhật Bản vỡ bong bóng kinh tế.

Từ đầu năm, đồng yen mất 10% giá trị so với đồng USD, sau khi giảm 8% vào năm ngoái. Trong nhóm 10 quốc gia công nghiệp hoá hàng đầu, Nhật Bản sở hữu đồng tiền mất giá nhiều nhất năm nay.

Dẫu gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ nền kinh tế và đời sống người dân, sự mất giá của đồng yen vẫn mang lại một số ưu điểm.

Mặt tích cực

Đồng yen yếu khiến kỳ nghỉ nước ngoài trở nên đắt đỏ với người Nhật Bản, nhưng lại mang đến ưu đãi hấp dẫn hơn bội phần cho du khách đến thăm "đất nước Mặt Trời mọc". Nhờ giá đồng yen thấp và liên tục giảm, tiền tệ của khách nước ngoài trở nên giá trị hơn nhiều khi mang đi quy đổi, giúp điểm đến Nhật Bản hấp dẫn hơn trong mắt du khách.

Chỉ riêng trong tháng 3, Nhật Bản chào đón tới 3,1 triệu du khách, mức cao chưa từng thấy trong khoảng thời gian một tháng, vượt qua thành tích thiết lập vào tháng 7/2019. Dự kiến năm nay Nhật Bản đón 32 triệu du khách, sau khi đón 8,6 triệu du khách trong 3 tháng đầu năm.

81190f6e-fe66-4e66-88e7-4ffc49ef02b3_7ed5f534.jpeg
Khách tham quan đền Kotokuin ở phía nam Tokyo. Ảnh: Reuters.

Sự sụt giảm mạnh của đồng yen kích thích du khách tận dụng tối đa các loại tiền tệ mạnh hơn như EUR và USD, nhằm hưởng lợi chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Bloomberg đưa tin khách du lịch nước ngoài tận dụng chênh lệch bằng cách mua hàng hiệu rẻ hơn ở Nhật Bản từ các thương hiệu cao cấp như đồng hồ Thụy Sĩ TAG Heuer, sản phẩm thời trang Chanel và Prada. Một chiếc túi xách cổ điển Chanel ở Tokyo rẻ hơn 1.423 USD sau khi giảm giá miễn thuế so với ở New York.

Trong 3 tháng đầu năm nay, chi tiêu trung bình của du khách nước ngoài tăng 52% so sánh cùng kỳ 2019.

Khách Trung Quốc đóng góp lớn vào con số này. Lượng khách từ đại lục đến Nhật Bản vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch, nhưng chi tiêu bình quân của nhóm khách này vượt 50% so với năm 2019 nhờ mức chi mạnh tay cho hàng hóa xa xỉ, trải nghiệm văn hóa giá trị cao.

Ngành khách sạn ở Nhật Bản phục hồi tốt hơn mọi quốc gia phát triển. Theo dữ liệu từ CoStar, giá phòng trung bình hàng ngày trong 3 tháng đầu năm nay tại Tokyo, Osaka và Kyoto tính bằng USD cao hơn 30-50% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu trên mỗi phòng sẵn có cao hơn 18-37%.

Hiện tượng này càng đáng chú ý bởi tỷ lệ lấp đầy phòng ốc vẫn thấp hơn đáng kể năm 2019, do tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng khiến nhiều khách sạn không thể hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, sự bùng nổ du khách quốc tế giúp các nhà khai thác dễ dàng tăng giá thuê phòng hơn.

Mặt tiêu cực

Trong cơ cấu thị trường nước ngoài gửi khách đến Việt Nam năm 2023, Nhật Bản đứng hạng 5 với 589.500 lượt khách, xếp sau Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ.

Bốn tháng đầu năm, thị trường Nhật Bản tiếp tục đứng hạng 5 với 235.000 lượt. Nếu mức này duy trì trong phần còn lại của năm, lượt khách đến Việt Nam từ “xứ sở Mặt Trời mọc" đạt hơn 700.000 lượt, bằng năm 2016 nhưng vẫn còn một khoảng cách khá xa so với đỉnh cao trước dịch (952.000 lượt năm 2019).

Trong bối cảnh nhiều chỉ số hàng không thế giới và khu vực đã vượt mức trước đại dịch, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng 3,9% so với năm 2019 nhưng số khách du lịch từ Nhật Bản vẫn thấp. Một trong những lý do dẫn đến hiện tượng này là đồng yen đang dao động quanh mức thấp kỷ lục.

luot-khach-nhat-ban-den-viet-nam-tu-2012-den-2023(1).png

Sự trượt giá không ngừng của đồng yen trở thành con dao hai lưỡi đối với du lịch và hàng không Nhật Bản. Theo CNN, một bộ phận không nhỏ người dân nước này không còn hứng thú du lịch nước ngoài. Mặc dù hộ chiếu Nhật nằm trong top quyền lực nhất thế giới, chỉ 20% người dân Nhật Bản thực sự sở hữu hộ chiếu, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Năm 2023, công ty dự báo kinh tế Morning Consult thực hiện cuộc khảo sát toàn cầu về du lịch. Kết quả cho thấy 35% người Nhật không muốn đi du lịch trở lại, tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia nào.

Tetsu Nakamura, giáo sư tại Đại học Tamagawa, chuyên gia tâm lý và hành vi du lịch, cho biết kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên. Ông Nakamura chia sẻ: “Năm 2019, ngay cả trước đại dịch, những người Nhật Bản du lịch nước ngoài ít nhất một lần mỗi năm chỉ chiếm khoảng 10% dân số".

Đồng yen thấp kỷ lục khiến nhiều người Nhật giờ đây gạt việc du lịch nước ngoài sang một bên. Chênh lệch tỷ giá ngày càng nới rộng khiến chi phí đắt đỏ hơn nhiều. Số người Nhật đi du lịch nước ngoài năm 2023 chỉ ở mức 9,62 triệu người, chưa bằng một nửa của 20,1 triệu khách Nhật Bản tới các nước khác năm 2019.

Đồng tiền yếu cũng làm chi phí nhập khẩu tăng lên, kích thích lạm phát tăng theo, gây áp lực lên các hộ gia đình khiến họ thắt chặt chi tiêu. Theo Nikkei, chi phí nhập khẩu tăng cao đẩy lạm phát lên 3,1% vào năm ngoái, mức cao nhất trong 41 năm.

Thị trường du lịch Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế hạn chế của người Nhật, nên lượng khách Nhật tới Việt Nam chưa thể phục hồi bằng mức trước dịch.

bongbongkinhtenhatban1.jpeg
Đồng yen là đồng tiền trượt giá nhiều nhất trong nhóm các nước công nghiệp hoá hàng đầu. Ảnh: Reuters.

Ngành hàng không cũng bị ảnh hưởng do đồng yen quá yếu. Ross Leggett, Giám đốc điều hành Japan Airlines (JAL), cho biết số lượng khách bay nước ngoài của hãng vẫn "mờ nhạt", nhu cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch do đồng tiền yếu và lạm phát.

Tỷ giá đồng yen quá thấp còn khiến chi phí nhiên liệu và vận hành của các hãng hàng không như Japan Airlines leo thang.

“Chi phí máy bay của chúng tôi đều tính bằng USD. Vì vậy, đồng yen mất giá làm tăng đáng kể chi phí”, Ross Leggett nói với phóng viên của Channel News Asia bên lề Hội nghị thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tại Dubai.

Biện pháp can thiệp tiền tệ trị giá 62 tỷ USD của Chính phủ Nhật Bản hầu như không thể ngăn sự trượt dốc liên tục của đồng yen. JAL cho biết rất khó để nhu cầu bay nước ngoài phục hồi nhanh chóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đồng yen thấp kỷ lục: Con dao 2 lưỡi của hàng không và du lịch Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO